Gần đây tôi mới ý thức được rằng, có thể thực chất bên trong bạn là một con người lạnh lùng.
01
Đêm hôm đó, bạn của tôi lại gọi điện thoại tới để oán trách về người yêu của cô ấy. Nói rằng bạn trai cô ấy tăng ca cũng không báo trước với cô ấy một tiếng, anh ấy về đến nhà cũng không chủ động làm việc nhà, bảo làm gì thì làm nấy,… Nói hết rồi lại lật lại một vài chuyện cũ ngày xưa của bọn họ trước đây.
Cụ thể thì tôi cũng không còn nhớ rõ lắm, đại khái là bạn trai đã làm một vài chuyện sai trái, mà cô ấy đã phải chịu bao nhiêu cái tủi thân.
Lúc cô ấy vẫn còn đang tiếp tục xả, tôi thật sự không nhịn được nữa liền cắt lời cô ấy:
– Những chuyện này cậu đã nói bao nhiêu lần rồi. Nếu thật sự không chịu được nữa thì cậu nói với anh ta chứ, nói với tớ thì có tác dụng gì?
Sau khi nói xong, hai đầu dây điện thoại đột nhiên đều trở nên yên tĩnh, đến cả tiếng thở của nhau cũng trở nên nhỏ dần.
Rõ ràng, cô ấy không ngờ rằng tôi sẽ nói như vậy, mà tôi cũng bị sự không kiên nhẫn bất ngờ của bản thân làm cho khiếp sợ.
Sau khi trầm mặc khoảng một phút, cô ấy bối rối nói một câu:
– Vậy cậu bận việc đi nhé, tớ chuẩn bị ngủ đây.
Sau đó vội vàng cúp máy.
Nói trắng ra, giây phút đó, trong lòng tôi trăm mối cảm xúc ngổn ngang, có áy náy, có hối hận, cũng có cảm giác như trút được gánh nặng.
Trước kia lúc nghe cô ấy kể chuyện oán trách bạn trai, tôi vẫn luôn không sợ phiền hà mà an ủi cô ấy, nói hai người yêu nhau thì phải từ từ tìm hiểu, cậu với anh ấy nói chuyện nghiêm túc xem, đừng có chuyện gì cũng giấu ở trong lòng rồi để người ta suy đoán.
Nhưng tối hôm đó không hiểu tại sao, tôi không muốn nghe bất cứ một câu nào thêm nữa, một câu an ủi cũng không muốn nói nữa. Hình như tôi thật sự mệt rồi cho nên mới thốt ra câu lạnh lùng như thế.
Quan hệ của chúng tôi cũng từ giây phút đó mà bị đóng băng.
02
Tựa như con người đã đến một giai đoạn nhất định thì sẽ trở nên lạnh lùng.
Không muốn nghe bạn bè phàn nàn không hồi kết thêm nữa, cũng không quan tâm gì đến chuyện bao đồng giữa các đồng nghiệp nữa, thậm chí cũng chán không muốn hỏi thêm về những cuộc cãi vã nhỏ nhặt trong gia đình nữa.
Chỉ muốn dồn hết thời gian và tinh lực cho bản thân, một mình yên tĩnh.
Lúc nhỏ luôn được bố mẹ dạy dỗ phải làm một người niềm nở.
Gặp họ hàng không thân thiết lắm cũng phải chủ động cười hỏi thăm.
Giữa hàng xóm với nhau phải thường xuyên qua lại, bởi vì hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau.
Phải giữ mối quan hệ tốt với bạn bè, dù gì ở nhà thì dựa vào cha mẹ, ra ngoài thì dựa vào bạn bè.
Bố mẹ đã dạy chúng ta rất nhiều điều về đối nhân xử thế nhưng duy nhất không dạy chúng ta phải làm sao để đối xử với bản thân.
Trong một khoảng thời gian rất dài, tôi đều diễn một vai mà bản thân tôi cũng không hề thích.
Sẽ nhìn sắc mặt mà nói chuyện, sẽ miễn cưỡng cười nói vui vẻ, sẽ quan tâm đến cảm nhận của tất cả mọi người xung quanh, sẽ khiến bản thân tủi thân để trở thành một cái thùng rác tâm tình của người khác.
Trong miệng mọi người, đây gọi là “trưởng thành”, “hiểu chuyện”, “chu đáo”, nhưng tôi lại cảm thấy “vật lộn”, “khó chịu”, “bất đắc dĩ”.
Càng lấy lòng người khác, càng kìm nén bản thân.
Mà kìm nén như vậy, tích góp từng tí một đến một trình độ nhất định sẽ đột nhiên bùng nổ, ngược lại lại trở nên lạnh lùng.
Bởi vì những cảm xúc bên ngoài mà mỗi một người có thể chịu đựng được đều có hạn, cảm xúc tích cực có thể đủ cung cấp cho người khác cũng có hạn.
Khi chúng ta đặt quá nhiều năng lượng lên trên người khác thì năng lượng dành cho bản thân cũng sẽ tương ứng trở nên nhỏ đi, trật tự trong lòng cũng sẽ vì vậy mà hỗn loạn.
03
Trong Vật Lý học có nói:
Đây được gọi là Định luật bảo toàn năng lượng.
Cảm xúc của con người cũng như vậy, cũng sẽ tuần hoàn theo một định luật bảo toàn nhất định.
Giống như khi còn trẻ, chúng ta luôn có dư thừa tinh lực và nhiệt tình. Thích tụ tập xã giao, kết bạn với các kiểu bạn mới; thích làm người tâm sự, giúp những người xung quanh phân ưu giải sầu; cho dù bị người khác hiểu lầm, bị người khác phụ lòng, cũng có thể rất nhanh chữa trị được cho bản thân, lại đốt cháy lên con tim rực lửa.
Nhưng sau khi đến một độ tuổi nhất định, lại bắt đầu cảm thấy mệt mỏi với tất cả các mối quan hệ trước giờ, cho nên chủ động xa cách rất nhiều người và rất nhiều việc. Cuộc tụ họp không cần thiết thì không tham gia nữa, bạn bè xã giao cũng ít liên lạc, cũng không quan tâm gì đến vui buồn giận hờn của người bên cạnh nữa.
Chỉ muốn củng cố từ trường của bản thân, làm hết sức không để cảm xúc của thế giới bên ngoài quấy nhiễu.
Bị người khác nói lạnh lùng cũng được, thiếu sự cảm thông cũng chẳng sao, dường như chẳng còn để tâm đến cái gì nữa.
Bởi vì chúng ta đã học được cách trung thành với cảm xúc của bản thân, dành hết thời gian và tinh lực cho bản thân mình.
04
Tam Mao trong “Tặng bạn một con ngựa” có viết một đoạn như này:
Tôi tránh các tình hữu nghị thân thiện quá mức lúc nhàn rỗi, khiến cho tôi bớt được vài gánh nặng và hứa hẹn.
Tôi không nói nhiều chuyện phiếm vô vị, khiến cho tôi cảm thấy đơn thuần, thoải mái.
Tôi cố gắng hết sức không nhớ lại chuyện cũ, bởi vì con đường phía trước không thể quay đầu lại.
Tôi thật lòng yêu thương người khác, bởi vì như thế sẽ không xảy ra so sánh.
Lúc tôi muốn khóc thì khóc, lúc muốn cười thì cười.
Chỉ cần những điều đó đến một cách tự nhiên.
Tôi không mong sâu sắc, cũng không cầu đơn giản.
Đây có lẽ chính là trạng thái tốt nhất của cuộc sống, không dây dưa trong nhân tình thế thái, không ngụy trang theo thế tục lôi cuốn, giản lược tất cả các mối quan hệ, hưởng thụ trạng thái chân thực nhất lúc đó.
Gặp người tùy duyên, gặp chuyện tùy tâm, thích hợp lạnh lùng với người ngoài, nhưng vĩnh viễn phải dịu dàng với bản thân.
Có lẽ sẽ bị người khác nói “trời sinh tính lạnh lùng”, nhưng chỉ cần bản thân thích thì đó chính là cách sống tốt nhất.
Nguồn: 蕊希 (Nhụy Hi)
Translator: HannyPei
Link tiếng Trung: https://mp.weixin.qq.com/s/sMMYIp5LuXuKzjAXTtu3tg
Xem thêm: https://gavocsach.com/pha-vo-cuc-dien/