Tôi từng nghe qua một câu nói: “Đời người chính là ngày hôm qua càng ngày càng nhiều, ngày mai càng ngày càng ít.”
Trong hành trình cuộc đời của chúng ta, mỗi một bước đi về phía trước chính là đến gần với điểm cuối của sinh mệnh một bước.
Điểm mấu chốt là hành trình cuộc đời không hề thuận buồm xuôi gió, vẫn luôn kèm theo các điều bất lợi hoặc ngoài ý muốn.
Muốn cuộc đời này trôi qua thuận lợi hơn, nhất định phải ghi nhớ 6 câu nói dưới đây, có lợi với chúng ta hơn cả mười năm đọc sách.
1. Vận mệnh, chính là không nhìn thấy điểm xấu của người khác; cảnh giới, chính là nhìn thấy điểm tốt của người khác.
Con người sống một đời, vận mệnh càng lớn trí tuệ càng rộng mở, sẽ càng hiểu được việc dùng một cái nhìn xa và phát triển để nhìn người, xét việc.
Khi chúng ta trông thấy càng nhiều điều tốt đẹp, sẽ phát hiện không còn nhiều phiền não nữa, cảnh giới đời người cũng sẽ sáng tỏ thông suốt.
Trong gia đình lớn của tôi có một vị trưởng bối như “Định hải thần châm (定海神针 – vũ khí của Tôn Ngộ Không, dùng để chấn giữ biển, ý chỉ người có vai trò quan trọng), nhà ai có chuyện gì, đều đi “bẩm báo” với trưởng bối một tiếng.
Trưởng bối luôn luôn nhiệt tình tiếp đãi, chuyện có thể giúp được thì nhất định không tiếc tài lực và nhân lực, chuyện gì thật sự không thể giúp đỡ được thì cũng sẽ đưa ra đề nghị.
Cũng có người thì thầm sau lưng nói trưởng bối nhọc lòng cả một đời rốt cuộc mưu toan chuyện gì đây?
Có một lần, trong bữa liên hoan cả đại gia đình, trưởng bối cười ha hả, nói: “Tôi được rèn luyện trong những ngày tháng gian khổ, chỉ hy vọng những ngày tháng của mọi người trong nhà đều trôi qua ngày càng tốt hơn thôi.”
“Cho dù người khác gièm pha, tôi cũng không để bụng. Tôi chỉ muốn lúc sinh thời, trông thấy mọi người đều vui vẻ là được.”
Giờ đây, những ngày lễ tết, trong nhà trưởng bối tuổi hơn thất tuần ấy luôn tràn ngập tiếng cười nói rộn ràng, mọi người đều vui lòng chung sống với trưởng bối, nghe ông giảng giải đạo lý nhân sinh.
Vận mệnh của con người càng lớn, càng hy vọng mọi người đều sống thật tốt, không cần để ý những khuyết điểm nhỏ của mỗi người. (Câu gốc tiếng Trung thực sự rất hay: 不必在意每个人身上的小毛病, 小瑕疵 – nghĩa trực tiếp là không cần để ý mỗi một tật nhỏ, tì vết nhỏ trên người mỗi người. Trong tiếng Trung “毛病” có nghĩa là tật – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ở đây mình đã dịch thoát ý.)
Cảnh giới của làm người càng rộng, càng kỳ vọng mọi người đều có được tương lai hạnh phúc, muốn cùng với tất cả mọi người chạy về phía tốt đẹp.
2. Đừng tu hành bản thân trong lòng người khác, đừng cưỡng cầu người khác trong lòng mình.
Thi nhân Cố Thành có nói: “Tôi chưa từng được ai biết đến, cho nên cũng chưa bị ai quên đi. Tồn tại trong hồi ức của người khác không phải là mục đích của tôi.”
Trước giờ, việc là chính mình không phải là một chuyện dễ dàng, nhưng cũng là việc đúng đắn nhất cả đời.
Tôi từng đọc được một câu chuyện về mối quan hệ rạn nứt của một cô gái với người bạn từng là thân thiết nhất, không khỏi khiến cho người ta sụt sịt.
Khi cô gái vào đại học, đã quen được người bạn thân cùng ký túc xá. Bởi vì cùng đến từ một tỉnh, lại cùng chung sở thích và hứng thú nên hai người rất nhanh đã như hình với bóng.
Cô gái đến nhà ăn mua cơm, mua đồ ăn vặt đều chia cho bạn thân một phần, còn thường xuyên nhiệt tình kéo bạn thân cùng đi học, cùng đi xem phim.
Nhưng tính cách người bạn thân lại khá lạnh nhạt, khiến cho cô gái luôn cảm thấy thái độ của bạn thân đối với mình không đủ chân thành, nên có cảm giác buồn vô cớ.
Kỳ thực, cô gái chỉ cần hiểu một đạo lý rằng bản thân mình đừng nên kỳ vọng quá nhiều vào người khác, tự nhiên sẽ không cưỡng cầu quá nhiều với người khác.
Đừng kỳ vọng bản thân mình có thể chiếm giữ một vị trí quan trọng nhiều thế nào trong lòng người khác, lại càng không vì thế mà cưỡng cầu người khác, sẽ chỉ khiến mối quan hệ càng lúc càng xa mà thôi.
Dựa vào chủ ý của bản thân đi làm chuyện mà mình nên làm là tốt, đừng quá quan tâm cách nghĩ và cách làm của người khác.
Thời gian là phương pháp kiểm nghiệm tốt nhất. Khi chúng ta đủ thoải mái, nói không chừng sẽ xuất hiện càng nhiều niềm vui.
3. Đừng quên ơn người khác, đừng nhắc ơn của bản thân.
Trong “Thi kinh – Đại nhã – Ức” có nói: “Có qua có lại mới toại lòng nhau.” (Câu gốc: 投之以桃, 报之以李 – ý chỉ người ta tặng cho mình quả đào, mình dùng lê để đáp lễ. Đào và lê có giá trị tương đương, có đi có lại là hợp tình hợp lý. Ở đây mình dịch thoát theo nghĩa ra tiếng Việt.)
Làm người không được vong ân bội nghĩa, phải ghi nhớ ân tình của người khác, càng phải hiểu được báo đáp. Đây là đạo lý cơ bản.
Trong bộ phim hot “Nhân thế gian” thời gian qua, Chu Bỉnh Côn bởi vì nguyên nhân bất đắc dĩ phải chuyển từ phòng mới về phòng cũ.
Nhưng, trước đó bởi vì giúp đỡ bé con nhà vợ chồng Tiêu Quốc Khánh và Ngô Thiến, Chu Bỉnh Côn đã cho họ ở nhà cũ của mình mất rồi.
Chu Bỉnh Côn kiên trì đi tìm hai vợ chồng Tiêu Quốc Khánh để thương lượng, Ngô Thiến không chỉ đã quên mất ân tình lúc đầu Chu Bỉnh Côn đưa tay giúp đỡ, mà ngược lại còn nổi giận, lại đánh đập.
Ngô Thiến thậm chí còn trâng tráo nói:
– Để chúng tôi dọn đi cũng được thôi, cậu phải tìm việc cho chúng tôi, nếu không chúng tôi không có tiền thuê nhà.
Có lẽ, trong giá trị quan của Ngô Thiến, căn bản không biết đạo lý cơ bản “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. (Câu gốc 受人之恩不要忘 – nghĩa là đừng quên ơn người khác.)
Trái tim thường mang theo lòng từ bi, thông cảm cho khó khăn của người khác, đủ khả năng giúp đỡ người khác.
Trái tim càng phải mang theo lòng cảm ơn, khắc ghi ân tình của người khác giúp đỡ mình, lúc có thể cho đi thì hết sức giúp đỡ.
Đây mới là bổn phận làm người, cũng khiến cho xã hội chúng ta ngày nay ngày càng hài hòa, quan hệ giữa người với người càng ngày càng gần gũi.
4. Chịu thiệt cũng giống như ăn cơm, ăn nhiều thì càng trưởng thành.
Chúng ta lúc còn trẻ, vốn tưởng rằng mình rất đơn thuần, người khác cũng đơn thuần giống như mình.
Mãi đến sau khi bước chân vào xã hội, chịu thiệt thòi nhiều mới hiểu, tính người phức tạp, hơn nữa lòng người còn khó dò.
Tôi đọc được một cô gái dốc bầu tâm sự trên Weibo, một người bạn mượn hội viên WPS của cô, cô với lòng nhiệt tình đã rất sảng khoái cho đối phương mượn.
Vốn cho rằng người bạn chỉ dùng một lần, lại không ngờ rằng vẫn cứ luôn dùng, làm cho bản thân cô gái không thể sử dụng, còn vì việc này mà làm lỡ mất công việc.
Cô gái ngượng ngùng tìm đối phương để nói rõ ràng, trong lòng lại dần tan vỡ, tại sao cứ chịu thiệt hết lần này đến lần khác mà vẫn không nhớ vậy?
Rút kinh nghiệm xương máu, cô gái cuối cùng lấy hết dũng khí, nói với người bạn rằng:
– Thật ngại quá, kể từ ngày hôm nay, hội viên của tớ phải thu lại để tớ sử dụng rồi.
Sau khi nói ra câu đó, trong lòng cô gái thở phào nhẹ nhõm, cô biết từ nay về sau, mình sẽ không chịu thiệt nhiều vậy nữa.
Thật ra, điều chúng ta phải biết là, “Có thể rút ra kinh nghiệm từ việc chịu thiệt, hiểu được tính cách con người, xu lợi tránh hại, mới là phúc.”
Không thể rút ra kinh nghiệm từ mỗi lần chịu thiệt, biết nên làm cách nào tránh cho lần tới, chúng ta còn có thể có được sự trưởng thành thế nào đây?
Đời người không có con đường tự đi được, chúng ta phải tìm thấy được “ổ gà” trên mỗi bước đường mới có thể có được sự trưởng thành và thu hoạch.
5. Cao thủ cuộc sống trước giờ không để cảm xúc khống chế bản thân.
Trong “Tuần Tử – Tu thân” có một câu nói: “Giận không đoạt hết, vui không cho hết.” (Câu gốc: 怒不过夺, 喜不过予 – ý là không nên vì bản thân mình tức giận mà xử phạt nghiêm khắc người khác, cũng không nên vì mình cao hứng mà thưởng cho người khác quá nhiều.)
Con người ăn ngũ cốc hoa màu, nào có thể không có các cảm xúc hỉ nộ ái ố chứ?
Nhưng khác ở chỗ, có người có thể kiềm chế cảm xúc bản thân, có người lại tùy cho cảm xúc khống chế cuộc đời mình.
Gần đây tôi đọc được một bản tin khiến người ta kinh hoàng.
Trong một tiểu khu nọ ở Khu Triều Dương Bắc Kinh, cư dân phát hiện trên con đường ra vào duy nhất, có người ném các đồ như nồi cơm điện hay con dao phay từ trên tầng xuống.
Sau khi cảnh sát địa phương đến hiện trường, xác định các vật được ném xuống là của một người phụ nữ họ Lý, nhưng họ Lý kia lại cự tuyệt mở cửa.
Sau khi đợi cảnh sát địa phương xông vào nhà họ Lý kia từ cửa sổ, bà ta đột nhiên kích động la lên, còn ném điện thoại của mình xuống đất.
Do cảm xúc của họ Lý kia quá kích động, cảnh sát địa phương đành phải đưa bà ta đến đồn cảnh sát để tra hỏi.
Lúc này mới hiểu được, họ Lý kia gần đây gặp phải những chuyện không hài lòng trong cuộc sống và công việc, lúc nấu cơm cảm xúc đột nhiên sụp đổ, mới xảy ra một màn trước đó.
Trước mắt, họ Lý kia đã bị cảnh sát hình sự tạm giam.
Trong cuộc sống, khó tránh khỏi việc gặp phải những chuyện không như ý, cảm xúc không khống chế được sẽ chỉ làm cho tình thế càng gay go hơn.
Cùng với thủ đoạn cực đoan để phát tiết cảm xúc, chi bằng tâm bình khí hòa mà nghĩ cách giải quyết vấn đề, ngược lại càng dễ dàng đảo ngược tình thế.
Dù sao, đời người rất dài, chúng ta không thể bị cảm xúc nhất thời điều khiển, mà phải hiểu khơi thông cảm xúc, bình tĩnh thì càng nhiều thu hoạch.
6. Chuyện thế gian, ngoại trừ sinh tử, tất cả chỉ là chuyện nhỏ.
Có một nhà triết gia nói: “Đối với người nhận biết được cái chết không hề đáng sợ, thì trong cuộc sống sẽ không có thứ gì đáng sợ cả.”
Sống hay chết là đầu đề nhân sinh quấn lấy mỗi người không tha, cũng là một chuyện quan trọng nhất của đời người.
Một người đàn ông trung niên hơn 40 tuổi mắc ung thư, giây phút nằm trên giường bệnh mới hiểu ra rằng sinh mệnh mới là thứ nên nắm lấy nhất trong cuộc đời này.
Khi còn trẻ, điều ông vẫn tin là “bán mạng cho công việc mới có thể cho người nhà một cuộc sống tốt hơn”, hàng năm đi công tác bên ngoài, uống rượu đến say như chết vì xã giao.
Cho dù bụng dạ thỉnh thoảng đau râm ran, ông cũng cho rằng bản thân mình còn trẻ còn chịu được, không chịu dừng lại nghỉ ngơi một chút.
Cho đến một ngày của mấy tháng trước, ông đột nhiên ngất xỉu trong lúc họp, sau khi được đưa đến bệnh viện kiểm tra, chẩn đoán chính xác đã mắc phải u ác tính.
Từ trạng thái công việc bận rộn đến nằm trên chiếc giường bệnh màu trắng, ông mới tỉnh ngộ, con người sống một đời này, còn có gì quan trọng hơn sự sống chứ?
Mỗi người đều không thể thoát khỏi số mệnh tử vong, nhưng sau khi nhận ra được chân tướng của cái chết thì có phải càng nên hiểu được chỉ trân trọng hành trình sinh mệnh lần này chăng?
Chúng ta đều sợ cái chết, đều muốn sống lâu một chút, lâu hơn một chút trong cuộc đời tươi đẹp này.
Nhưng chỉ có thể sau khi hiểu thấu sinh tử, coi mỗi ngày như là ngày cuối cùng sống trên đời, đời người mới hạnh phúc hơn nhiều.
Trong “Cuộc sống vốn đơn thuần”, Phong Tử Khải nói rằng: “Việc trên đời, chỉ cần sức sống bất diệt, cho dù gặp phải thiên tai hay hiểm họa, tạm thời bị ngăn cản đè nén nhưng cuối cùng cũng có ngày ngẩng đầu.”
Đời người luôn luôn lên rồi lại xuống, sinh mệnh luôn đến rồi đi.
Chỉ cần chúng ta luôn ghi nhớ những đạo lý này, tin tưởng thì có thể sống thật thoải mái.
Bởi vì tất cả chúng ta đều chỉ sống một cuộc đời này, càng trân quý bao nhiêu thì lại càng hạnh phúc bấy nhiêu.
Tác giả: 京博国学 (Kinh Bác Quốc Học)
Nguồn: 京博国学 (Kinh Bác Quốc Học)
Translator: Hanny Pei
Nguồn: https://mp.weixin.qq.com/s/a46jQu-I6Oc646iXZ23ndw
Xem thêm: https://gavocsach.com/nguoi-gioi-that-su-khong-bao-gio-voi-va/