不着急的人生,看似慢,实则快。
Một đời người không vội vã, trông thì chậm,
nhưng kỳ thực lại rất nhanh.
Các cụ hay nói: “Dục tốc bất đạt”
Rất nhiều chuyện, bạn càng vội vàng thì lại càng làm hỏng việc.
Khi bạn quá gấp gáp, khó tránh khỏi sẽ xảy ra sai sót, chi bằng cứ chậm lại, thì lại rất nhanh.
Tuy nói nhanh là năng suất, nhưng chậm mới là trí tuệ. Từ cổ chí kim, những người giỏi thật sự thường không bao giờ vội vàng.
Nguyên tắc 1: 做人别急着出名 (Làm người đừng vội nổi tiếng)
Có người nói rằng: “Có tài thì sợ gì vô danh.”
Một người ưu tú không cần phải đi tranh cái hư danh. Chỉ có những người không có tài thực sự mới dùng hư danh để chứng minh bản thân.
Nóng vội muốn nổi tiếng, sớm muộn cũng sẽ bị mất phương hướng để rồi thất bại thảm hại.
Chỉ có chậm lại, dùng tài năng thực sự để nâng cao tên tuổi, mới có thể khiến mọi người chấp nhận, mới được lâu dài.
Một trong tứ kiệt đời đầu nhà Đường – Lạc Binh Vương, bảy tuổi đã có thể làm thơ, được xưng là “thần đồng”, bởi vậy nổi tiếng khắp thiên hạ. Có điều ông không đắc ý vì chuyện đó mà lại càng cố gắng hơn nữa.
Lúc đó gia đình ông nghèo đến xác xơ, Lạc Binh Vương thấy mẹ ngày đêm lao động vất vả, ông muốn sớm có danh tiếng để kiếm tiền, giúp đỡ gia đình, giảm bớt gánh nặng.
Có một lần, Lạc Binh Vương mang sách cũ của mình đi đổi lấy tiền, muốn mua cho mẹ một guồng quay tơ mới.
Nào ngờ, sau khi mẹ ông biết được, liền tát ông ba cái liên tiếp, nhắc nhở con cái rằng: “Dù có nghèo đến thế nào cũng không được nghèo kiến thức.”
Từ đó về sau, ông lại càng chăm chỉ, chuyên tâm đọc sách, cuối cùng đã sáng tác ra được rất nhiều tác phẩm hay, lưu danh thiên cổ.
Lý Đại Chiêu (Một trong những người chủ yếu sáng lập Đảng cộng sản Trung Quốc) từng nói: “Không hướng về suy nghĩ viển vông, không chạy theo hư danh, mà chỉ dùng thái độ cầu tài thực sự để trở thành bản lĩnh kiên định.”
Danh tiếng thực sự chưa bao giờ dựa vào việc mồm to là có, mà phải là từng bước chân, từng dấu chân của sự nỗ lực tích lũy lại từng chút một.
Đôi khi, không vội trưởng thành lại vừa vặn là sự trưởng thành tốt nhất.
Vội thành danh, ngược lại sẽ lo lắng không tiến được, chi bằng làm đến nơi đến chốn, xây đến đâu vững đến đó, từng bước từng bước làm phong phú bản thân, dần dần sẽ đi đến điểm cuối.
Nguyên tắc 2: 做事别急着求利 (Làm việc đừng vội cầu mong lợi ích)
Tư Mã Thiên nói rằng: “Thiên hạ rộn ràng đều là vì lợi ích đến, thiên hạ nhốn nháo cũng đều là vì lợi ích đã đi.”
Con người sống trên đời, vội vàng đi đây đi đó, chỉ là để kiếm tìm thanh danh mưu cầu lợi ích, muốn thông qua sự nỗ lực của bản thân để tích lũy của cải. Điểm này không hề sai.
Nhưng một lòng vội vã mưu cầu lợi ích thì sẽ bị danh lợi trói buộc, trái lại lại khiến cho sự việc không đi đến kết cục tốt đẹp.
Cái gọi là quân tử trọng tiền tài, đi đúng đường, dựa vào bản lĩnh thực sự của mình để kiếm tiền, như vậy mới càng có ý nghĩa.
Vào thời kỳ Mãn Thanh, Hồ Tuyết Nham là một nhân vật nhà nhà đều biết. Thành công của ông có rất nhiều lý do, nhưng lý do quan trọng nhất là ông không vội vã cầu lợi.
Có một lần, một phú thương do đầu tư thất bại, cần một khoản vốn xoay vòng lớn, vì vậy, phú thương đó chủ động tìm đến Hồ Tuyết Nham, đưa ra giá thấp, muốn để Hồ Tuyết Nham mua lại sản nghiệp của ông ta, để cầu cứu.
Nào ngờ sau khi Hồ Tuyết Nham điều tra rõ ràng lại không gấp gáp cầu lợi mà dùng giá thị trường để thu mua sản nghiệp của đối phương.
Phú thương vừa kinh ngạc mừng rỡ vừa hoài nghi, thực sự không hiểu cách làm của Hồ Tuyết Nham. Con cá dâng đến tận miệng nhưng không vội tóm lấy, đó không phải là người ngốc nghếch hay sao?
Cũng chính bởi lần này, Hồ Tuyết Nham không vội cầu lợi, khiến cho phú thương có cơ hội trở mình.
Vì thế đã thúc đẩy cho việc hợp tác dài hạn của hai người, thế cho nên khiến cho việc buôn bán của Hồ Tuyết Nham ngày càng lớn, đến cuối cùng đã trở thành “doanh nhân hàng đầu”chấn động một thời.
Tục ngữ có câu: “Đi đâu mà vội mà vàng, mà vấp phải đá mà quàng phải dây.” (Câu gốc trong văn bản tiếng Trung: 心急吃不到热豆腐 – Nghĩa câu gốc tiếng Trung là: Nóng vội muốn ăn đậu phụ không nóng mà ngược lại lại làm vỡ mất miếng đậu phụ. Ý chỉ vội vàng sẽ làm hỏng việc.” – Người dịch dịch thoát)
Con người làm việc, không thể chọn đường tắt để nhanh, nếu như bạn chỉ vì cái lợi trước mắt, sẽ luôn thất bại thảm hại.
Phải biết rằng, thả dây ngắn thì chỉ có thể câu được cá nhỏ, thả dây dài thì mới có thể câu được cá lớn.
Bạn chạy theo lợi ích trước mắt thì chỉ trông thấy một chiếc lá trước mặt, không thấy nổi thái sơn.
Chi bằng chịu bỏ công sức một chút, nâng cao năng lực của bản thân.
Mùa xuân gieo hạt thì đến mùa thu mới được thu hoạch. Cho nên, bất kể làm gì, đều đừng vội hồi báo, tầm nhìn thiển cận thì không đi xa được.
Nguyên tắc 3. 人生别急于求成 (Làm người đừng vội mong thành công)
Châm ngôn có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim.” (Câu gốc tiếng Trung: 只要功夫深,铁杵磨成针)
Chỉ có bình tâm lại, làm phong phú bản thân, mới có thể dần dần leo lên đỉnh cao, đạt đến bờ bên kia của thành công.
Thời kỳ Mãn Thanh, Tăng Quốc Phiên rất nổi tiếng. Trước khi thành danh, ông là một người ngốc vô cùng.
Thi công danh, một tú tài đã thi ước chừng bảy lần mới thành công.
Học thuộc lòng đến tận nửa đêm, còn bị tên trộm của Lương Thượng cười nhạo, quá ngu ngốc, cả một buổi tối cũng không học thuộc được.
Với sách nào đọc không hiểu, Tăng Quốc Phiên lại càng chậm, câu nào không hiểu thì không đọc câu tiếp, ngày hôm nay không biết, ngày mai tiếp tục.
Quả thực Tăng Quốc Phiên là kiểu người không vội cầu mong thành công, bất kỳ việc gì cũng sử dụng công phu ngốc nghếch mà chầm chậm tiến hành, vừa vặn lại khiến cho Tăng Quốc Phiên từ một kẻ ngốc nghếch bậc nhất trở thành một con người toàn vẹn bậc nhất.
Cái đó gọi là chậm mà chắc. Trong thế giới thiên biến vạn hóa này, tất cả mọi người đều đang tìm đường tắt, muốn đi vào con đường nhanh nhất để trực tiếp đạt được ước mơ.
Nhưng vạn vật thế gian đều có quy luật, một người muốn trưởng thành thì đó là một quá trình lâu dài và gian khổ. Nếu như bạn vội vàng muốn thành công, ngược lại chẳng làm nên trò trống gì.
Phải biết rằng đường đời, xa mà dài, bạn chỉ có hành động kiên định, lặng lẽ tiến lên mới có thể gặt hái được thành công cuối cùng.
Đừng tưởng rằng bông hoa với sức lực nhỏ nhất thì có thể thành quả to nhất.
Đời người giống như một cái cây, sinh sôi 3 năm cũng không thể nào có ích bằng 30 năm. Phải học được cách lắng đọng, bạn muốn nhanh không muốn sâu, vĩnh viễn không thể thành một người có năng lực.
Trí tuệ lớn thực sự nằm ở chữ “Mạn (慢chậm)”, chứ không phải ở “Cấp (急vội)”. Bạn chỉ có chịu đựng được nỗi cô quạnh, mới có được thu hoạch; bạn chỉ có bình tĩnh thong dong, mới có tiềm lực vô hạn.
Lâm Hải Âm từng nói:
“Phải học lạc đà, nén được cơn giận. Xem chúng không bao giờ vội vàng, chầm chậm bước đi, chầm chậm nhai, rồi cũng sẽ đến nơi, rồi cũng sẽ ăn no.”
Làm người phải học lạc đà, làm một người nén được cơn giận, việc gì cũng nên làm từ từ, lời nói phải nói chậm rãi, ăn cơm phải ăn chậm rãi, mới có thể làm ít công to.
Đời người, đừng vội vã. Người có tài hoa, trước giờ không sợ lộ diện muộn.
Con người sống một đời, chúng ta đều lấy sự thành công để tâng bốc bản thân, vì vậy, vội vã tham công cầu danh đã đánh mất đi nguyên tắc.
Đừng vội vàng đi kiếm tìm lợi ích, bỏ mất danh dự, vội vàng cầu mong thành công lại quên mất tấm lòng thuở ban sơ.
Không vội vàng, không có nghĩa là không quan tâm, mà là có nội tâm điềm tĩnh.
Không vội vàng, không có nghĩa là không khẩn trương, mà là có thái độ thong dong.
Muộn một chút, không phải là lạc hậu, mà là tìm kiếm đường tắt giải quyết vấn đề.
Cho nên, cuộc đời không vội vã, trông thì chậm nhưng kỳ thực lại nhanh.
Quãng đời sau này, mong bạn trong cuộc sống tiết tấu nhanh này cũng có thể tìm thấy phương hướng, không hoảng loạn!
Tác giả: 国学生活·阿菊 (Quốc học sinh hoạt – A Cúc)
Translator: Hanny Pei